Trang chủ > Sổ tay học hỏi > Hiểu ngành nghề >> 4 câu trả lời ngờ nghệch cho lý do nhảy việc

4 câu trả lời ngờ nghệch cho lý do nhảy việc

“Gia đình không thích”

Đây có lẽ là câu trả lời gây bất ngờ nhất mà chị T. – một leader Digital Marketing của công ty V. được nghe từ một ứng viên ứng tuyển vào vị trí Marketing Executive khi phỏng vấn hỏi về lý do nhảy việc. Dù rằng gia đình là nhân tố ảnh hưởng rất lớn đến tất bản thân chúng ta và lý do gia đình là một trong những lý do chính đáng khiến chúng ta phải đổi sang một môi trường mới. Tuy nhiên, lấy lý do “gia đình” để trả lời cho vấn đề nhảy việc của mình chứng tỏ rằng bạn vẫn còn quá “trẻ con”. Nhà tuyển dụng không bao giờ muốn tuyển một người mà ngay cả những quyết định cho sự nghiệp của mình họ cũng không thể tự làm được, vẫn còn bị gia đình áp đặt và chi phối quá nhiều.


 
lý do nhảy việc


“Làm hoài không được tăng lương”

Anh H. – leader team IT của công ty W. chia sẻ: trong cuộc phỏng vấn, anh đã đặt câu hỏi vì sao lại chuyển việc đến một ứng viên và nhận được câu trả lời thật bất ngờ: “Chỗ nào lương cao là em nhảy”.
Hơn 50% lý do khiến cho những người đi làm nhảy việc chính là do lương bổng, đây là một nhu cầu vô cùng chính đáng bởi vì mục đích cơ bản nhất của mọi người khi làm việc là để kiếm tiền và nuôi sống được bản thân. Tuy nhiên, bạn không nên đề cập đến chuyện bạn làm việc từ ngày này qua tháng nọ mà vẫn chưa được tăng lương hoặc chỉ muốn làm việc tại những nơi có lương cao. Điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ về hiệu quả làm việc và kỹ năng của bạn. Đặc biệt hơn, nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn là người chỉ làm việc vì tiền.
 
 “Không ai trân trọng tôi”

Nói đến lý do “không được trân trọng” thì có thể liệt kê hàng ngàn trường hợp. Từ việc bạn bị sếp “để ý”, khi sai phạm nhỏ thì bị điểm mặt gọi tên, đến cả khi kết quả công việc của bạn quá tốt nhưng vẫn không được tuyên dương hoặc không được thừa nhận. Nhiều công ty có tính điểm mức độ quan trọng của từng vị trí vào bản đánh giá nhận xét nhân viên khiến những người có điểm thấp cảm thấy vị trí của mình không quan trọng và dễ dàng bị thay thế. Chị Th. – một designer có kinh nghiệm thiết kế lâu năm của một công ty tuyển dụng – chia sẻ một trường hợp hài hước, đó là một bạn ứng tuyển vào vị trí Designer đã nói lý do nghỉ việc của bạn là vì bạn không thấy được trân trọng, khi bạn đi làm quá sớm và không ai trong công ty ra mở cửa giúp bạn.

Tuy nhiên, những câu trả lời trên chỉ cho thấy rằng bạn là một người quá sức nhạy cảm, dễ dàng bị tổn thương chỉ vì những việc nhỏ nhặt, không đáng vì dù gì đi nữa, công ty cũng chỉ là nơi làm việc, không phải là gia đình của bạn. Nhà tuyển dụng sẽ dễ đánh giá bạn là một người thiếu chuyên nghiệp, dễ bị cảm xúc chi phối vào công việc.
 
 “Đồng nghiệp không hòa đồng với tôi”

Nhiều người cho biết lý do nhảy việc vì không hợp với phong cách làm việc của công ty, không hòa hợp được với đồng nghiệp của họ, có nhiều mâu thuẫn cá nhân hoặc công việc với đồng nghiệp hoặc thậm chí do họ bị tẩy chay. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng mâu thuẫn có thể xảy ra ở bất cứ nới đâu, và với bất kỳ ai. Liệu rằng qua công ty mới bạn sẽ không gặp lại mâu thuẫn này không? Do đó, bạn hãy tránh nói ra những lý do này vì nhà tuyển dụng sẽ nghi ngờ kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn.

Lời kết:
Mỗi người đều có lý do riêng khi chấm dứt công việc cũ và ứng tuyển vào công việc mới, tuy nhiên nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao các ứng viên thông minh và biết chuyển những lý do tiêu cực thành những câu trả lời theo hướng tích cực. 
Len dau trang